Ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh
Ngày đăng: 04/02/2015
Khoa học và công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ đang tạo nên những biến đổi sâu sắc và làm thay đổi tận gốc các mặt của đời sống. Trong vòng chuyển động đó, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao trong y học tại Việt Nam đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Những thành công

Trong những năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực khám và điều trị bệnh. Từ việc đầu tư, ứng dụng các trang, thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: phẫu thuật nội soi, tán sỏi, phẫu thuật lấy thể thủy tinh ngoài bao (phương pháp Pha-co) đến các kỹ thuật vi phẫu tạo hình, ứng dụng công nghệ la-de vào y học, máy gia tốc trong điều trị ung thư. Thành công của việc thụ tinh trong ống nghiệm; Ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tim mạch can thiệp như: mổ tim hở, thay van tim, chụp buồng tim, nong động mạch vành, bắc cầu nối động mạch vành, điều trị loạn nhịp tim, v.v. Gần đây nhất, thành công bước đầu của ca ghép gan được cấy ghép từ người "chết não" đầu tiên ở Việt Nam, tại Bệnh viện Việt Ðức đã tiếp thêm hy vọng cho những người bệnh hiểm nghèo.

Tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, nhiều công nghệ mới trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công. Những tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được ứng dụng kịp thời. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, cho biết: Nhiều ca bệnh hiểm nghèo đã được cứu chữa, nhiều cặp vợ chồng đã có hạnh phúc khi những đứa con khỏe mạnh chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nhờ áp dụng kỹ thuật cao và kỹ thuật siêu âm ba chiều trong chẩn đoán trước sinh. Ðây là kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, nhằm phát hiện sớm những thai nhi bất thường, có quyết định chính xác để cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh, trí tuệ phát triển tốt...

Sự ra đời của Ðơn vị gen trị liệu thuộc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai là một bước đột phá trong công nghệ gen trị liệu tại Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới trong việc điều trị bệnh. Các loại bệnh mà gen trị liệu can thiệp thành công cũng rất đa dạng, nhưng nhiều nhất phải kể đến các bệnh có tính di truyền như: thiếu hụt miễn dịch tổ hợp trầm trọng, xơ nang, Parkinson, u hạt mãn tính hay các bệnh tim bẩm sinh, ung thư, tiểu đường, tâm thần phân liệt... Gen trị liệu còn được ứng dụng trong việc điều trị các bệnh do nhiễm trùng lao, HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B... Hệ thống máy PET/CT, của Trung tâm đã giúp cho việc chẩn đoán và phát hiện nhiều bệnh lý khác nhau trong thần kinh học, tim mạch học và nhất là trong ung thư học với những hình ảnh rõ nét, xác định được chính xác những nơi tổn thương trong cơ thể, góp phần rất lớn trong việc trợ giúp các bác sĩ có các phương pháp, phác đồ điều trị thích hợp. Ðây là một trong những thiết bị chẩn đoán hình ảnh sử dụng kỹ thuật Y học hạt nhân hiện đại nhất trên thế giới, với hình ảnh PET/CT, kỹ thuật viên có thể tìm thấy những tổn thương, biến đổi bất thường rất nhỏ, ở những giai đoạn rất sớm trong cơ thể người bệnh, nhất là sự hình thành, phát triển và di căn của các khối u. Hình ảnh PET/CT là phương tiện định vị hướng dẫn có độ chính xác cao để các bác sĩ lấy mẫu sinh thiết, phẫu thuật,...

Bệnh viện Trung ương Huế là một trong ba bệnh viện đặc biệt của tuyến bệnh viện trung ương, đã và đang ứng dụng nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao như: phẫu thuật tim hở, chụp mạch vành, nong mạch vành đặt stent, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn hai buồng, ba buồng; các kỹ thuật tim mạch can thiệp hiện đại như thả dù đóng thông liên nhĩ, ống động mạch... ghép tạng, thụ tinh nhân tạo, điều trị ung thư xạ trị, hóa trị, chẩn đoán hình ảnh, nội soi hô hấp, đường tiêu hóa, tiết niệu, khớp, ổ bụng, v.v. Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, GS, TS Bùi Ðức Phú cho biết: Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới với hiệu quả cao, phục vụ người bệnh như: nội soi can thiệp và phẫu thuật nội soi, ngoại, sản, hồi sức sơ sinh, nội khoa và thận nhân tạo, xét nghiệm... và đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất tốt nhất để sắp tới thực hiện phẫu thuật ghép tim từ người cho "chết não".

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, các loại bệnh được chữa và điều trị mang lại hiệu quả cao cho hàng nghìn trẻ em như: hẹp van hai lá, hẹp eo động mạch chủ, động mạch phổi, phẫu thuật tim kín, phẫu thuật tim hở và teo động mạch phổi, đảo gốc động mạch... , Giám đốc Bệnh viện GS,TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết: Từ năm 2001, Việt Nam là nước đầu tiên áp dụng phương pháp điều trị thoát vị cơ hoành bằng phẫu thuật nội soi lồng ngực và phẫu thuật tại buồng hồi sức dưới máy thở cao tần ở trẻ sơ sinh. Vừa qua, tại Hội nghị Phẫu thuật nội soi Nhi khoa Quốc tế ở Mỹ, đã chính thức công nhận, đây là phương pháp tốt nhất để điều trị bệnh. Việt Nam còn là một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực điều trị u nang ống mật chủ bằng phẫu thuật nội soi, với tỷ lệ thành công cao, tỷ lệ tử vong thấp.

Công bằng cho mọi người bệnh

Nhiều ứng dụng kỹ thuật cao trong y học đã được đưa vào ứng dụng trong các bệnh viện và cơ sở y tế, nhưng phần lớn người bệnh mới chỉ được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản. Chi phí cho việc sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao vẫn còn quá cao so với mức thu nhập của người dân.

Những người có mức sống trung bình khi đi khám, chữa bệnh chủ yếu trông chờ vào chính sách bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi đó, BHYT chỉ chi trả không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Khi khám, chữa bệnh (KCB) không đúng cơ sở ban đầu hoặc không theo tuyến chuyên môn, quỹ BHYT chỉ thanh toán 70% chi phí đối với trường hợp KCB tại tuyến huyện, 50% chi phí tại tuyến tỉnh và 40% chi phí tại tuyến trung ương. Nếu KCB trái tuyến mà sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí đối với tuyến huyện, 40% đối với tuyến tỉnh và 30% tại tuyến trung ương. Với những người được cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, thẻ BHYT hay thẻ KCB miễn phí chỉ có giá trị trong phạm vi địa phương mình, khi chuyển lên các cơ sở ngoại tỉnh hay tuyến trên đều không được ưu đãi.

Nhu cầu khám, chữa bệnh của người nghèo rất lớn, nhưng hầu hết nhóm đối tượng này không tiếp cận được với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao để điều trị các bệnh hiểm nghèo. Làm thế nào để người dân nghèo được tiếp cận những kỹ thuật cao, và được chăm sóc, điều trị với những phương pháp hiện đại nhất, phù hợp với mức sống, đang là một câu hỏi mà ngành y tế nói riêng và các cấp, các ngành có liên quan nói chung đang tìm câu trả lời.

Ðầu tư từ con người đến thiết bị

Ðầu tư công nghệ kỹ thuật cao là điều quan trọng và rất cần thiết. Nhưng người sử dụng kỹ thuật cao là yếu tố quyết định. Do đó rất cần những người có trình độ cao, kiến thức rộng, nắm bắt và làm chủ được công nghệ để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với xu hướng xã hội hóa y tế, việc xuất hiện các cơ sở y tế tư nhân ngày càng nhiều, để khám bệnh cho người dân được thuận lợi thì ngoài yếu tố bắt buộc như con người, hạ tầng cơ sở, trang bị máy móc, đòi hỏi quá trình thực hiện cần phải có lộ trình theo dõi, đánh giá và đúc kết kinh nghiệm.

Nhiều bệnh viện tuyến đầu của thành phố, kể cả bệnh viện trực thuộc trung ương hay bệnh viện tư nhân, vẫn chưa đủ "nội lực" thực hiện các kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, thần kinh, sọ não phức tạp, ghép tạng,... Nhìn tổng thể về năng lực cũng như sự phát triển của các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tại các tỉnh, việc đầu tư để tạo bước đột phá của một số chuyên khoa vẫn còn rất mờ nhạt. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng những kỹ thuật y khoa hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đang là thách thức lớn đối với các bệnh viện tuyến cơ sở, do đó người dân "vượt tuyến" là chuyện không thể tránh được. Vì vậy, để phát triển và sử dụng có hiệu quả các kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu, đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ từ đội ngũ y, bác sĩ đến cơ sở vật chất và trang thiết bị. Thiếu một trong ba yếu tố này đều không thể thực hiện được. Lồng ghép và kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và đầu tư trang thiết bị tiên tiến từ tuyến tỉnh đến tuyến xã để nâng cao chất lượng chữa, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu mà ngành y tế nước ta nói riêng và các cấp, các ngành liên quan cần chú trọng và có các giải pháp để phát triển.

Theo Báo Nhân dân Online
Video
Máy rửa tay đầu tiên của Việt Nam
Thư viện ảnh hoạt động